Giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu là một bằng chứng cho thấy thương hiệu đó đã được nhà nước công nhận, là bằng chứng chứng minh quyền sở hữu đối với nhãn hiệu
Do việc đăng ký thương hiệu được thực hiện dưới các thủ tục đăng ký nhãn hiệu nên khi Cục sở hữu trí tuệ quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì văn bằng đó sẽ bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu của người nộp đơn, tất nhiên văn bằng đó cũng có giá trị bảo hộ đối với thương hiệu. Chủ sở hữu có quyền đối với thương hiệu của mình ngay cả khi không có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước, nhưng nếu có giấy chứng nhận trong tay, nhà nước sẽ bảo hộ quyền này và đó cũng là bằng chứng có giá trị pháp lý cao chứng minh quyền sở hữu đối với thương hiệu khi có xảy ra tranh chấp mà chủ sở hữu không cần phải chứng minh gì thêm. Giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu cũng là tài liệu cần thiết bắt buộc phải có khi chủ sở hữu muốn đăng ký hợp đồng nhượng quyền sử dụng thương hiệu.
Trên một giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu sẽ bao gồm các thông tin sau:
– Số văn bằng
– Thông tin chủ sở hữu nhãn hiệu
– Số đơn (đơn đăng ký thương hiệu)
– Ngày nộp đơn
– Số liệu văn bản về việc Quyết định cấp văn bằng
– Dấu chứng nhận của Cục sở hữu trí tuệ
Đương nhiên để có được văn bằng bảo hộ thương hiệu thì chủ sở hữu thương hiệu phải thực hiện việc đăng ký thương hiệu và đơn đăng ký cũng phải trải qua các thủ tục đăng ký để được cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu có hiệu lực trong vòng 10 năm, và nếu có nhu cầu thì chủ sở hữu có thể gia hạn thời hạn này với số lần không hạn chế, mỗi lần gia hạn thêm được 10 năm